Chấn thương không phải điểm kết thúc
Phần 1
Đôi chân mỏi nhừ sau Chicago Marathon khiến tôi chưa thể quay trở lại tập luyện theo đúng kế hoạch. Đây là cơ hội tốt để nghĩ về những gì đã qua và những gì sắp tới. Một trong những điều xuất hiện trong đầu tôi mấy ngày nay là ám ảnh chấn thương.
Rất khó phân định thế nào thật sự là chấn thương, thế nào là đau mỏi thông thường sau tập luyện. DOMS có phải chấn thương hay không, khi rõ ràng có sự đứt gãy sợi cơ, kèm theo triệu chứng lâm sàng (đau, mỏi, tê bì), đủ khiến runner phải ngừng chạy bộ vài ngày. Nhưng DOMS lại cần thiết để chúng ta tiến bộ. Sự phá huỷ các sợi cơ sẽ tạo điều kiện cho hệ cơ tái tạo và trở nên mạnh mẽ hơn. Một vài huấn luyện viên còn nói, “Bài tập chạy dài sẽ thiếu hiệu quả nếu chưa gây DOMS”.
Mặt khác, trong khi phớt lờ DOMS ít khi để lại hậu quả nghiêm trọng, bỏ qua các dấu hiệu đau của gân Achilles, đầu gối, hay gan chân,… có thể khiến người chạy bộ phải trả giá đắt trong một thời gian dài.
Tiền sử chấn thương
Trong 10 năm chạy bộ, tôi đã trải qua đủ loại chấn thương, với nhiều mức độ khác nhau. Nếu định nghĩa chấn thương là các thương tổn khiến tôi phải nghỉ chạy tối thiểu 1 tuần, có thể liệt kê những lần dưới đây:
Tháng 8/2013: Đau đầu gối phải
- Nghỉ 10 ngày
- Nguyên nhân: tiếp đất bằng gót chân
Tháng 2/2014: Đau dải chậu chày (ITBS) bên phải
- Nghỉ 4 tuần
- Nguyên nhân: race 10K tại giải Turn Up and Run 2014 (42 phút)
Xem thêm: Chạy bộ là món quà
Tháng 3/2015: Đau mặt trước xương chày (shin splint) bên trái
- Nghỉ 3 tuần
- Nguyên nhân: giày Hoka Cliffton 1 kèm đường chạy dốc về một phía
Tháng 8/2016: Đau gân Achilles trái
- Chẩn đoán: siêu âm thấy phù nề phần mềm quanh gân Achilles
- Nghỉ 2 tuần
- Nguyên nhân: giày mỏng (ASICS Piranha 5) kèm chạy tốc độ cao
Tháng 4/2018: Rách cơ bụng chân bên trái
- Chẩn đoán xác định: chụp MRI thấy chảy máu trong cơ bụng chân (gastrocnemius)
- Nghỉ 5 tuần
- Nguyên nhân: giày mỏng (ASICS Piranha 5) chạy đường gạch ở giải LDR Half Marathon 2018
Tháng 8/2020: Viêm cân gan chân trái
- Chẩn đoán xác định: chụp MRI gót chân (2 lần) cho thấy cân gan chân dày lên, kèm phản ứng viêm và phù nề tổ chức xung quanh
- Nghỉ 9 tháng
- Nguyên nhân: tăng cường độ tập luyện, chạy liên tục bằng đôi Nike Vaporfly Next%
Xem thêm: Nhật ký PF
Tháng 1/2022: Căng cơ bụng chân trái
- Nghỉ 3 tháng
- Nguyên nhân: tiền sử chấn thương cũ cơ cẳng chân (2018), giãn cơ quá tích cực, tập lại quá sớm sau Breaking3 Marathon
Tháng 12/2022: Viêm gân Achilles phải
- Chẩn đoán: sờ thấy viêm điểm bám gân Achilles (Achilles bump)
- Nghỉ 4 tháng
- Nguyên nhân: chạy dốc giải VnExpress Marathon ở Nha Trang, nghỉ quá ít và thi đấu giải VnExpress Midnight chỉ 12 tuần sau đó
Chấn thương đến từ đâu
Không có quy luật nào về bên chân chấn thương. Nếu nói rằng chân phải khoẻ hơn, hoặc dáng chạy của tôi lệch về bên nào đó, hoặc tiền sử một bên bị chấn thương nhiều hơn dẫn tới chân đó yếu hơn… thì chấn thương thường gặp một bên thôi.
Căn nguyên của chấn thương nhiều khi không rõ ràng. Tôi chỉ phỏng đoán thôi, và “điều trị thử”. Ví dụ, tôi xỏ đôi Hoka Cliffton 1 được ba buổi và thấy đau mặt trong xương cẳng chân. Ngừng sử dụng thì không còn đau nữa, vì thế tạm chẩn đoán shin splint do đôi giày này gây ra (tôi bỏ luôn đôi đó, dù được review rất cao).
Xem thêm: Chỉ tại shit man
Đôi khi, chấn thương là hệ quả của nhiều nguyên nhân tích tụ. Tăng giáo án (quá nhanh, quá sớm, quá nhiều), giày không phù hợp, tư thế chạy hỏng, thiếu thời gian nghỉ ngơi, phục hồi, giãn cơ,… sớm muộn gì cũng chấn thương. Chẳng thể đổ tại “Đen thôi, đỏ quên đi”, nếu tiếp tục đi trên những con đường dẫn tới chấn thương, một ngày nào đó bạn tất yếu sẽ bị chấn thương.
Đặc điểm của chấn thương
Nhìn lại tiền sử chấn thương dày đặc của mình, tôi có thể tổng kết mấy điểm:
- Thứ nhất: đa phần chấn thương chạy bộ tôi tự chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng. Có rất nhiều tài liệu về chấn thương khi chạy bộ, cũng như chia sẻ của những runners trên facebook, diễn đàn letsrun, các tạp chí chuyên ngành như Runner’s World,… Chỉ cần theo dõi thật kỹ cơ thể, đối chiếu với kiến thức từ các nguồn uy tín, mỗi người có thể tự chẩn đoán bệnh của mình tương đối chính xác.
- Thứ hai, nếu chẩn đoán còn chưa rõ ràng, nên chụp MRI kiểm tra. Tất nhiên bác sỹ chẩn đoán hình ảnh cũng không rành rẽ lắm đâu, vì chạy bộ đường dài là môn thể thao còn mới mẻ ở nước ta. Tôi thường tìm hiểu kỹ trên internet, trao đổi cặn kẽ với các đồng nghiệp chẩn đoán hình ảnh, đối chiếu thương tổn trên phim chụp với y văn.
- Thứ ba, chấn thương thường đến đột ngột không báo trước. Cái này được gọi vui là hội chứng “chân em kỳ diệu lắm”. Khi bạn cảm thấy ở trạng thái tuyệt vời nhất, thì đó là lúc bạn bất ngờ dính chấn thương.
- Thứ tư, chấn thương không nặng tới mức bắt tôi ngừng chạy ngay lập tức (đau IT band, viêm cân gan chân, viêm gân Achilles,…). Tôi thậm chí vẫn có thể thi đấu tương đối tốt với chấn thương (thành tích FM 2:47 ở giải Midnight 2022, hạng 4 chung cuộc, chỉ kém PR cũ 10 giây).
- Cuối cùng, các chấn thương ở giai đoạn sau 2020 đòi hỏi nhiều thời gian hơn để lành. Đó là thời điểm tôi đã ở trình độ FM sub3. Không rõ do cường độ vận động ở giai đoạn này cao hơn, hay đó là hậu quả của quá trình lão hoá?
Còn tiếp phần 2
Để lại bình luận